Có nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay không?

Hiện nay, tranh cãi giữa việc có nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay không là một trong những câu hỏi được đặt ra rất nhiều. Việc bạn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào? Có thể mang lại những lợi ích hay tác hại như thế nào đối với cây trồng và người tiêu dùng sẽ là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng cần nghiên cứu trong thời gian gần đây.

THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT LÀ GÌ?

Ngày nay, phong trào sử dụng các loại thuốc ngày càng được giảm. Tuy nhiên, với thuốc bảo vệ thực vật kháng sinh học có thể bảo vệ hoàn toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, vẫn có thể sử dụng loại thuốc này để bảo vệ các cây trồng.

Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất hoá học (vô cơ, hữu cơ) hoặc chế phẩm sinh học (chất kháng sinh, vi khuẩn, nấm, siêu vi trùng, tuyến trùng, …), các chất có nguồn gốc thực vật, động vật, được sử dụng để bảo vệ cây trồng và nông sản, chống lại sự phá hoại của những sinh vật gây hại như: các loại côn trùng, vi khuẩn, cỏ dại,… Ngoài ra còn để điều hòa, kích thích sinh trưởng cho cây trồng từ đồng ruộng cho đến kho bảo quản.

Đặc biệt, thuốc bảo vệ thực vật phải được đăng ký vào danh mục thuốc BVTV theo quy định mới được phép sử dụng ở Việt Nam.

PHÂN LOẠI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Tùy theo đặc điểm, mục đích sử dụng mà người ta phân chúng thành nhiều nhóm khác nhau.

 Phân loại theo nguồn gốc của thuốc:

Sản phẩm này được sản xuất chủ yếu có 2 nguồn gốc đó là nguồn gốc hóa học và nguồn gốc sinh học.

– Tổng hợp hóa học: Có thành phần hoạt chất là các chất hóa học vô cơ hoặc hữu cơ được tổng hợp vào sản phẩm. Chúng hầu hết đều là chất độc.

– Tổng hợp sinh học: Có nguồn gốc là thành phần từ tự nhiên. Nó là những chế phẩm sinh học từ các loại thảo dược hay các chủng vi sinh được nuôi cấy trên môi trường dinh dưỡng. Chúng thường ít độc hơn

Phân loại theo mục đích sử dụng

Tiêu chí này dựa trên các đối tượng gây hại khác nhau để phân loại:

– Thuốc diệt trừ cỏ dại

– Thuốc trừ sâu, trị côn trùng gây hại

– Thuốc trừ nấm, vi khuẩn và các loại vi sinh vật gây hại

– Thuốc điều hòa sinh trưởng và phát triển thực vật,…

Phân loại theo loại thuốc

Dựa vào đặc điểm, trạng thái của thuốc để phân loại, ví dụ như: Thuốc dạng, bột, dạng sữa, thuốc dạng hạt hoặc dung dịch,…

Về hình thức tác dụng của thuốc thì có 4 hình thức:

– Thuốc có tác dụng thông qua tiếp xúc

– Thuốc có tác dụng vị độc

– Thuốc có tác dụng nội hấp

– Thuốc có tác dụng xông hơi

THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT CÓ ĐỘC KHÔNG?

Tính độc của thuốc là nói đến khả năng gây độc của một lượng thuốc nhất định khi xâm hại vào cơ thể. Các thuốc bảo vệ thực vật tuy đem lại hiệu quả sử dụng với thực vật nhưng đối với cơ thể người hay động vật thì chúng đều là những chất độc.

Cơ thể chúng ta có thể bị nhiễm độc do hít hoặc tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc BVTV từ môi trường. Hoặc nhiễm độc do ăn phải các thực phẩm có chứa hóa chất này khi chưa đủ thời gian cách ly theo quy định. Việc nhiễm độc có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau và để lại một số hậu quả khó lường.

Về cơ bản, độc tính của chúng được chia ra thành các cấp độ như sau:

– Độc cấp tính: là khả năng gây độc tức thời. Chúng khiến cơ thể biểu hiện các triệu chứng như: chóng mặt, toát mồ hôi, buồn nôn,… ngay khi cơ thể tiếp xúc, hay bị nhiễm phải một lượng nào đó.

– Độc mãn tính: là khả năng gây độc lâu dài về sau.Chúng ngấm từ từ vào cơ thể sau nhiều lần tiếp xúc. Điều này sẽ phá hủy dần cơ thể, làm suy yếu các chức năng, đến một mức nào đó mới bộc phát và biểu hiện ra ngoài.

– Nhóm rất độc: Theo tổ chức y tế thế giới WHO và nước ta đã phân chia thuốc BVTV thành các nhóm độc khác nhau. Sự phân chia này căn cứ vào trị số LD 50 (là liều gây chết cho 50% số lượng con vật thử nghiệm).

SỬ DỤNG THUỐC BVTV AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ

Để sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, nhà nông cần phải thực hiện nguyên tắc 4 đúng bao gồm: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng về đúng nơi quy định; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Nguyên tắc đúng thuốc: Đây là điều kiện tiên quyết trong việc đảm bảo hiệu quả khi phun. Khi sử dụng thuốc BVTV, cần phải biết rõ loài sâu bệnh cần phòng trừ, tham vấn ý kiến cán bộ chuyên môn BVTV hoặc cán bộ nông nghiệp địa phương. Ưu tiên lựa chọn sử dụng các loại thuốc có tác động chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích, động vật máu nóng. Cần chọn mua những loại thuốc an toàn với cây trồng, ít gây hại với người, đặc biệt chú ý khi mua và sử dụng thuốc diệt cỏ.

Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng nồng độ, liều lượng: Cần sử dụng đúng nồng độ, liều lượng bao gồm lượng thuốc và lượng nước pha trộn để phun trên một đơn vị diện tích cây trồng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật. Việc tùy tiện tăng nồng độ thuốc lên cao sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng, cây trồng, vật nuôi, môi trường và làm tăng chi phí; còn nếu phun ở nồng độ quá thấp sẽ làm cho sâu bệnh nhờn thuốc, kháng thuốc, tạo nguy cơ bùng phát dịch.

Để đảm bảo sử dụng đúng liều lượng, nồng độ, phải có dụng cụ cân, đong thuốc, không ước lượng bằng mắt, không bốc thuốc bột bằng tay. Phải phun hết lượng thuốc đã pha trộn, không để dư thừa qua hôm sau hay lần sau.

Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng lúc: Thông thường, mỗi loại sâu bệnh đều chỉ phát triển ở một giai đoạn cụ thể trên cây trồng, và phụ thuộc vào cả yếu tố thời tiết. Công tác thăm đồng rất quan trọng. Vì nó giúp kịp thời phát hiện sớm các loại sâu bệnh.

Cần phun thuốc vào thời điểm sâu bệnh dễ bị tiêu diệt, phun ở giai đoạn tuổi nhỏ đối với sâu và ở giai đoạn đầu đối với bệnh. Phun vào lúc trời râm mát, không có gió to để thuốc tiếp xúc bám dính tốt hơn trên bề mặt lá. Hạn chế phun lúc cây đang ra hoa. Việc phun thuốc khi trời nắng nóng sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc, còn phun khi trời sắp mưa có thể làm rửa trôi thuốc. Không phun thuốc vào thời điểm sắp thu hoạch (thời gian cách ly tùy thuộc từng loại thuốc, thường có khuyến cáo là thời gian trước thu hoạch). Phun khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh đạt đến ngưỡng gây hại kinh tế.

Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng cách: Đa số các loại thuốc BVTV được khuyến cáo phun lên cây trồng, bên cạnh đó cũng có một số loại thuốc dùng để rắc hoặc rải xuống đất để trừ dịch hại, người sử dụng cần đọc kỹ các thông tin hướng dẫn sử dụng được ghi trên bao bì để sử dụng cho đúng. Việc trang bị các loại bảo hộ lao động: Kính, khẩu trang, găng tay, áo mũ bảo hộ sẽ làm hạn chế việc thuốc tiếp xúc hoặc xâm nhập vào trong cơ thể người phun thuốc.

Bên cạnh đó, người sử dụng cũng thường xuyên hỗn hợp nhiều loại thuốc BVTV với nhau để giảm công phun, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể sử dụng biện pháp này được bởi vì mỗi loại thuốc BVTV đều có những đặc tính về lý tính, hóa tính khác nhau. Hỗn hợp thuốc chưa đúng kỹ thuật sẽ làm giảm tác dụng của hỗn hợp, cũng như tính năng tác dụng của từng loại thuốc.