Những nguy tại tiềm ẩn từ ruồi nhà

Ruồi nhà có tên khoa học là Musca domestica, là một trong những côn trùng rất gần gũi trong đời sống hàng ngày của con người.

Tại Việt Nam, đã xác định được 172 loài ruồi trong các khu dân cư, trong đó 70 loài ruồi gần nhà; giữa chúng có những loài thích nghi với lối sống gần người; ruồi, nhặng không chỉ gây ra sự phiền hà khó chịu mà còn là trung gian truyền nhiều mầm bệnh từ những nơi ô nhiễm cho con người gây bệnh như tiêu chảy, nhiễm giun, sán…

Ruồi – mối phiền hà

Sự xuất hiện của ruồi luôn gây cảm giác khó chịu cho tất cả mọi người đang làm việc và nghỉ ngơi. Ấn tượng về những con ruồi từ những bãi rác, bãi phân… mang theo chất bẩn thỉu trên chân, thân, vòi… đậu vào bàn ghế, vật dụng, thức ăn, nhà cửa, thậm chí trên cơ thể đã gây một cảm giác khó chịu thực sự. Hơn nữa sự hiện diện của ruồi là dấu hiệu của điều kiện mất vệ sinh.

Ruồi – trung gian lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm

Không chỉ gây ra sự phiền hà khó chịu, ruồi còn là trung gian truyền cơ học nhiều mầm bệnh vi sinh vật từ những nơi ô nhiễm đến người và các thức ăn của người. Khi dính vào mặt ngoài của ruồi, mầm bệnh chỉ tồn tại khoảng vài giờ nhưng khi được nuốt vào trong ruột thì chúng có thể sống sót đến vài ngày. Để kiếm ăn, ruồi bay từ những chất hữu cơ có trong rác, đất giàu chất hữu cơ, chất thải của người và động vật đến đồ ăn thức uống của người mang theo một lượng lớn vi sinh vật gây bệnh bám dính trên thân, chân, cánh. Đa số các mầm bệnh do ruồi truyền đều nhiễm trực tiếp qua đường thức ăn, nước uống, không khí, tay và sự tiếp xúc giữa người và người.

Những bệnh do ruồi truyền là các bệnh truyền nhiễm đường ruột (như kiết lỵ, tiêu chảy, thương hàn, tả và một số bệnh giun sán), nhiễm trùng mắt (mắt hột…) và một số bệnh ngoài da (như bệnh mụn cóc, bệnh ngoài da cấp tính, nấm…).

Hiểu biết về tập tính của ruồi sẽ giúp chọn lựa những biện pháp kiểm soát phù hợp

Vòng đời của ruồi trải qua 4 giai đoạn: trứng – giòi – nhộng – ruồi trưởng thành. Thời gian phát triển từ trứng đến ruồi trưởng thành có thể từ 6 – 42 ngày tùy thuộc nhiệt độ môi trường cao hay thấp. Ruồi nhà trưởng thành có thể sống từ 2 – 3 tuần; tuy nhiên nếu điều kiện mát mẻ, chúng có thể sống lâu đến 3 tháng.

Thức ăn của ruồi rất đa dạng từ thức ăn, rác rưởi đến phân của người và động vật. Do cấu tạo của phần phụ miệng của ruồi ở dạng hút dẫn nên thức ăn của chúng phải ở dạng lỏng.

Ruồi cái có thể sinh sản rất sớm, chỉ vài ngày sau khi nở. Trung bình một con ruồi cái có thể đẻ khoảng 5 lần trong cuộc đời, mỗi lần khoảng 120 – 130 trứng. Với khả năng sản xuất trứng nhiều và vòng đời ngắn như vậy, ruồi nhà được xem là loài gia tăng dân số nhanh nhất.

Ruồi cái đẻ trứng vào chất hữu cơ thối rữa, lên men hoặc mục nát có nguồn gốc động vật hay thực vật như phân động vật, rác chế biến thực phẩm, phân bón hũu cơ, bùn cống, cây cối chất đống trên đường. Khác với ruồi thối và nhặng, ruồi nhà không đẻ trứng trên thịt hoặc xác chết. Sau đẻ vài giờ, trứng sẽ nở ra dòi. Dòi cần thở ô xy trong không khí vì vậy chúng chỉ sống ở nơi có đủ khí ô xy. Đây là một đặc điểm khá quan trọng, cần lưu ý trong kiểm soát sự phát triển của loài ruồi.

Trong khi giai đoạn trước trưởng thành của loài ruồi nhà gắn liền với các chất thải hữu cơ bên ngoài nhà thì ruồi nhà trưởng thành lại gắn với những nơi sinh hoạt của con người.

Ruồi trưởng thành hoạt động chủ yếu vào ban ngày khi chúng ăn và giao phối. Có thể tìm thấy ruồi tại các điểm trú đậu như sàn nhà, tường, thùng rác, dây phơi quần áo, thảm cỏ, thảm cây. Ban đêm, ruồi không hoạt động, chúng thường đậu phía ngoài nhà như tường rào, dây phơi, dây điện trần… Nhìn chung ruồi thường đậu ở nơi tránh được gió, gần với nơi đẻ và nơi kiếm ăn của chúng. Nhiệt độ và độ ẩm môi trường cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn nơi đậu nghỉ và hoạt động của ruồi. Chúng ưa thích những nơi có độ ẩm không khí thấp, nhiệt độ từ 35 – 40 độ C.

Biện pháp phòng chống ruồi nhà

Cải thiện vệ sinh môi trường là những biện pháp nhằm giải quyết tận gốc sự xuất hiện của ruồi cũng như sự tiếp xúc của nó với nguồn ô nhiễm và với con người. Để cải thiện vệ sinh môi trường cần thực hiện những việc sau:

– Thu gom các loại rác thải sinh họat trong khu dân cư để vận chuyển đến nơi xử lý hoặc chôn lấp tại chỗ để hạn chế sự tiếp xúc của ruồi với nguồn ô nhiễm và giảm nơi đẻ trứng của ruồi.

– Thu dọn sạch phân gia súc gia cầm hàng ngày, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi.

– Nước thải giàu chất hữu cơ (từ các chợ thịt, cá, lò mổ…) cần được làm rãnh thóat nước, tránh ứ đọng. Đất bùn, bùn vét cống và các chất thải từ hố ga, hố thải cũng cần được dọn sạch.

– Thức ăn, đồ uống cần được che đậy kín tránh ruồi đậu vào. Trẻ em và người bị bệnh nên ngủ trong mùng, tránh tiếp xúc với ruồi.

– Các địa điểm ruồi thường bu đậu có thể phun tồn lưu hóa chất diệt ruồi hoặc đặt bẫy dính ruồi. Theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam, có thể cho nước sạch vào túi nylon, khi ruồi bay qua gặp phải ánh sáng phản quang từ các túi nylon đựng nước, mắt ruồi phản xạ nhanh với ánh sáng phản chiếu sẽ bay ra xa.